Bà Nở hỏi: “Gầm trời này, cháu có thấy ai khổ như cô không?”. Tôi im lặng. Chẳng biết phải nói thế nào. Không hiểu “bể khổ” có lớn bằng nỗi khổ của bà không nữa.
Vào ngõ 239, đường Đà Nẵng (Quận Ngô Quyền, TP. Hải Phòng), hỏi bà Nguyễn Thị Nở, người dân lại hỏi: “Chú ở bệnh viện tâm thần à?”, “Chú đến cho gạo bà Nở hả?”… Vậy mà phải hỏi rất nhiều lần, vòng qua mấy ngóc ngách, tôi mới tìm thấy ngôi nhà có cổng rả xộc xệch. Căn nhà cấp bốn, tường vữa loang lổ, ám khói đen xì.
Tôi gọi cổng, người đàn bà tóc muối tiêu, đôi mắt u sầu, quần áo xộc xệch hơn cả cái cổng, chui ra từ căn bếp khói mù mịt. Bà dụi dụi đôi mắt ám khói bảo: “Mời chú vào nhà”.
10 lần rứt ruột đẻ con, thì kết cục bà Nở nhận được là 10 người con tâm thần.
Nhìn ngó mãi, tôi chẳng thấy trong căn nhà rộng chừng 30 mét vuông có thứ gì đáng giá. Có lẽ, để hoang ngôi nhà này, may ra có mấy bà đồng nát xấu bụng nhặt được mấy cái xoong méo mó. Sống giữa thành phố hoa lệ, song bà Nở vẫn đun bếp bằng củi, khói bay mù mịt, làm nức mũi hàng xóm.Bà Nở giải thích: “Gạo ăn còn chẳng có, cháu bảo lấy tiền đâu mà mua ga, mua than. Cô phải đi dọc hai bờ sông Cấm, xem có miếng củi nào dạt vào bờ thì vớt lên phơi, phơi khô thì chẻ ra, bó lại, vác về chất trong bếp đun dần. Hàng xóm xung quanh cũng tốt bụng, ai có giường tủ, bàn ghế mục nát, cũng để dành cho cô. Giường của người chết họ cũng không đốt, không thả trôi sông, mà cho cô chẻ ra đun. Mấy cái chiếu mới trải tạm xuống nền nhà để mấy mẹ con ngủ cũng là của người chết bố thí cho đấy’.
Tôi ngồi xuống manh chiếu của gia đình có người mới chết cho mà lòng rưng rưng. Bà Nở ngồi thu lu ở góc nhà, đôi mắt đục buồn nhìn vào bốn bức vách. Cậu con trai Phạm Văn Hậu ngồi góc nhà, cởi trần trùng trục, khoe bộ xương sườn, chẳng nói chẳng rằng gì cả. Cô con gái Phạm Thị Bích thì ngồi ở góc bên kia, nói luôn mồm, nhưng cũng chẳng rõ cô nói gì.
Trong ngôi nhà của mẹ con bà, thứ đáng giá nhất là mấy cái xoong méo.
Tôi hỏi mấy câu về cuộc đời bà, rằng đời bà lúc nào thấy khổ nhất, bà Nở chẳng biết bắt đầu từ đâu. Bà bảo: “Suốt đời cô, cô chả thấy lúc nào sướng, lúc nào cũng khổ, cũng không biết lúc nào là khổ nhất cả. 65 tuổi rồi, cô vẫn phải đi ăn mày để nuôi thân, nuôi con, thì cháu bảo đến bao giờ cô mới hết khổ. Không biết, chết đi rồi, ở kiếp khác, cô có khổ nữa không nhỉ?”.Bà Nguyễn Thị Nở sinh năm 1945, đúng vào năm cả nước chết đói, chết như ngả rạ. Nhà không có gì ăn, cả làng chết đói, thế mà cô bé Nở vẫn sống. Sau này, bố mẹ bảo Nở là người giời, không có gì ăn suốt một tuần mà không chết, mà cứ khóc oe oe. Bà Nở bảo, đời bà là vậy, sinh ra, đã đói, đã khổ rồi. Nếu bà chết đói luôn khi đó, thì bà và chục con người không phải khổ đến thế này.
Bà Nở phải ra sông Cấm vớt củi vào những ngày nước lũ mới có thứ để đun.
Bà Nở quê ở xã Cộng Hiền (Vĩnh Bảo, Hải Phòng). Năm 19 tuổi, bà gặp ông Phạm Văn Phong, trai Hà Nội, nhà ở Giảng Võ hẳn hoi. Ông là trai Hà Nội, nhưng nghề nghiệp là bốc vác xi măng ở Nhà máy xi măng Hải Phòng. Bà Nở cũng làm bốc vác xi măng. Hai kẻ nghèo hèn gặp nhau, nên vợ nên chồng.Tôi hỏi: “Gia đình nhà hai bác, có ai bị tâm thần không?”. Bà Nở ngẫm một lát mới nhớ ra rằng, ông ngoại bà bị tâm thần, còn bên chồng thì có anh trai của chồng bị tâm thần. Chẳng biết có mối liên hệ gì không, nhưng bà Nở không tâm thần, ông Phong lại càng bình thường, thế mà đẻ ra tới 10 đứa con tâm thần. Thật là khó tưởng tượng.
Tuy nhiên, bà Nở bảo, nguyên nhân đàn con đông đúc của bà bị tâm thần tất thảy không phải vì có mối liên hệ với ông ngoại bà và anh trai chồng, mà có nguyên nhân rất “mê tín dị đoan”, từ cái ngôi nhà “ma ám” này!
Theo lời bà Nở, xưa kia, ngôi nhà gia đình bà ở là của một anh lái tàu biển rất giàu có. Anh ta mua ngôi nhà này cho vợ ở và thi thoảng về thăm vợ mỗi chuyến cập bến Hải Phòng. Mỗi lần về, anh ta lại mang về một nắm vàng, vợ đựng đầy ống bơ. Hai vợ chồng vàng đeo lủng liểng khắp người.
Thế nhưng, một ngày, hai vợ chồng anh này nổi điên. Lúc tỉnh táo, anh ta đã gọi vợ chồng bà đến, bán cho với giá bằng nửa tháng công bốc vác xi măng. Hai vợ chồng nghèo, tự dưng vớ được ngôi nhà rẻ như cho, nên vui lắm. Sau đó vợ chồng anh này đi đâu, sống chết thế nào thì chẳng ai rõ.
Những người con đẹp đẽ như thế này cứ bỗng dưng phát bệnh tâm thần.
Chẳng biết lời đồn có đúng hay không, hay nặng nợ truyền kiếp, nhưng số phận gia đình bà Nở lại cay nghiệt đến vậy. Bà mê tín dị đoan, rước không biết bao nhiêu thầy cúng về. Tuy nhiên, thầy cúng thì cứ cúng, những đứa con đẹp đẽ thì cứ lần lượt điên khùng, không gì kìm hãm được. Mấy ông thầy cúng chả chế ngự được cái sự điền rồ triền miên trong ngôi nhà này, thì đổ cho “đất nghịch”, đổ cho người Trung Quốc xưa kia “yểm bùa”… Họ còn bảo, nếu họ đuổi tà ma trong nhà, thì họ sẽ bị tà ma… ăn thịt!Thôi thì đủ cả thứ đồn đại, đủ cả thứ dị đoan trong ngôi nhà này. Kết cục thì hồi đầu năm, túng quá, bà Nở tính bán căn nhà để có tiền nuôi con, chữa bệnh cho con, rồi mẹ con ra gầm cầu Bính, Cầu Niệm, Cầu Rào, hay cái gầm cầu nào ở cũng được, ở với bọn nghiện cũng được. Nhưng khốn nỗi, gọi mãi mới có người đến mua. Anh ta tính giá 200 ngàn một mét vuông, miếng đất của bà tổng cộng 60 mét vuông, vậy vị chi là 12 triệu đồng.
Cầm 12 triệu đồng thì làm được gì chứ, đủ cho một đứa nằm viện nửa tháng là cùng. Trong khi, những ngôi nhà bên cạnh, họ bán vài trăm triệu, thậm chí tiền tỉ. Ấy vậy mà, đã từng có một vị khách nữa đến trả ngôi nhà giữa TP. Hải Phòng của bà 5 triệu đồng. Sao người ta đang tâm thế nhỉ? Thôi thì, mẹ con bà đành chấp nhận sống giữa thành phố hoa lệ, mà sống cảnh chị Dậu, còn hơn cả chị Dậu nữa chứ.
Còn nữa....
Theo VTC.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét